Dưới đây là một số nguyên tắc cơ bản trong phối hợp màu sắc để tạo nên không gian làm việc cũng như tâm trạng thoải mái cho nhân viên để nâng cao hiệu quả trong công việc.
Những văn phòng làm việc có trần thấp thì nên chọn màu nhạt.
Trong những toà nhà mới hiện nay, thường xảy ra trường hợp diện tích văn phòng được thiết kế rộng nhưng trần nhà lại thấp Bên cạnh đó việc có quá nhiều người cùng làm việc trong một gian phòng, dễ gây cảm giác chật chội, áp lực. Để điều hoà những cảm giác không thoải mái do kiến trúc mang lại thì phải dùng đến hiệu quả màu sắc.
Trong trường hợp này, nên dùng những gam màu nhạt tương đối tao nhã để trang trí vì màu nhạt có thể tạo cảm giác rộng lớn, làm cho không gian trong phòng làm việc trở nên cao, thoáng và rộng. Dùng màu xanh da trời nhạt hay màu xanh lá cây nhạt làm màu tường đều rất thích hợp, song không nên dùng màu kem vì màu này dễ làm cho người ta có cảm giác ảm đạm, dễ gây buồn ngủ.
Phòng bị khuất sáng nên dùng gam màu ấm
Những căn phòng này thường gây cảm giác lạnh lẽo, ảm đạm. Trong trường hợp này tốt nhất không nên dùng gam màu lạnh mà dùng gam màu đỏ gạch hay màu da cam đều có thể làm tăng cảm giác tươi sáng, ấm áp.
Hơn nữa, tường không nên dùng màu phản quang mạnh, nếu không sẽ có thể làm cho nhân viên bị mỏi mắt, không có thần, từ đó làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
Phụ thuộc vào tính chất công việc để bài trí màu sắc.
Tính chất công việc cũng là một nhân tố cần đến sự tính toán, xem xét kỹ lưỡng về cách bài trí màu sắc trong văn phòng. Nếu muốn nhân viên ở bộ phận nghiên cứu khoa học làm việc tỉ mỉ cẩn thận, với tinh thần nghiêm túc thì văn phòng nên dùng màu xanh dịu.
Đối với những công việc cần nhân viên có tư duy linh hoạt, thường xuyên thảo luận, trao đổi với nhau - bộ phận lập kế hoạch, bộ phận đề xuất ý tưởng - thì văn phòng nên sử dụng gam màu sáng, tươi mới, màu mạnh để nâng cao khả năng sáng tạo của nhân viên.
Ghế ngồi của lãnh đạo nên dùng màu thẫm.
Màu sắc sử dụng trong văn phòng của một công ty không chỉ cần thống nhất mà còn phải tính đến việc thông qua sự khác biệt của màu sắc các bộ phận làm việc để phân biệt các cấp nhân viên khác nhau. Ví dụ: bàn làm việc của nhân viên thường có màu tro nhạt, ghế ngồi màu đỏ thẫm, vừa làm điểm nhấn trong cả một tổng thể gam màu lạnh lại vừa có thể giúp lãnh đạo có thể bao quát được nhân viên trong công ty ngay khi vừa nhìn vào văn phòng. Họ có thể biết ngay nhân viên nào đang vắng mặt.
Nếu như bàn làm việc của nhân viên quản lý cấp trung và cấp cao dùng gỗ màu cọ có đường vân thì ghế ngồi của nhân viên quản lý cấp trung có thể dùng màu xanh tro, còn của nhân viên quản lý cấp cao lại có thể dùng màu đen, như vậy sẽ thể hiện được sự trang trọng và uy quyền.
Phòng làm việc và phòng hội nghị.
Gam màu chủ đạo của phòng hội nghị không nên giống như gam màu của văn phòng làm việc, nhưng màu của bàn ghế có thể gần giống như màu bàn ghế của nhân viên quản lý cấp trung, giúp cho nhân viên có cảm giác tiến lên phía trên được một bước còn nhân viên quản lý cấp cao lại có thể cúi mình xuống lắng nghe chăm chú, khiến cho mọi người có cảm giác trên truyền xuống, dưới đáp lại. Có như vậy thì người tham gia hội nghị mới có thể bình đẳng phát biểu ý kiến và nêu ra quan điểm của mình.
Theo Archi.net